Trẻ vị thành niên luôn là đối tượng cần được quan tâm và chú ý bởi người lớn, vì chúng chưa có đủ năng lực nhận thức và làm chủ hành vi để tự bảo vệ và đưa ra các quyết định cần thiết. Việc đi du lịch ra nước ngoài cũng thế, dù có người lớn đi cùng hay đi một mình thì việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho trẻ trước khi đi là vô cùng cần thiết. Đa số hải quan các nước đều có những thủ tục về việc xuất cảnh hoặc nhập cảnh đối với trẻ em, kể cả trường hợp trẻ vị thành niên tự đi một mình, nhằm bảo vệ trẻ em khỏi nạn buôn người hoặc bắt cóc. Dưới đây là một số quy định khi trẻ vị thành niên đi du lịch đến và đi khỏi lãnh thổ Canada.
1. Độ tuổi được coi là trẻ vị thành niên
Tại Canada, trẻ vị thành niên là người dưới 16 tuổi, dưới 18 tuổi hoặc dưới 19 tùy thuộc vào quy định của từng Tỉnh bang.
- Tỉnh bang quy định trẻ vị thành niên là người dưới 18 tuổi: Alberta, Manitoba, Ontario, Quebec, Prince Edward Island
- Tỉnh bang quy định trẻ vị thành niên là người dưới 19 tuổi: British Columbia, Nova Scotia, New Brunswick, Northwest Territories, Yukon, Nunavut
- Tỉnh bang quy định trẻ vị thành niên là người dưới 16 tuổi: Newfoundland
- Tỉnh bang quy định trẻ vị thành niên là người chưa kết hôn dưới 16 tuổi: Saskatchewan
2. Các giấy tờ cần chuẩn bị
Điều đầu tiên cần làm là liên hệ với Đại sứ quán hoặc Lãnh sứ quán gần nhất của quốc gia đến để tìm hiểu xem có các yêu cầu nhập cảnh hoặc xuất cảnh cụ thể đối với trẻ vị thành niên hay không. Quý vị có thể tìm kiếm thông tin liên hệ của các cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Canada tại đây.
2.1. Giấy tờ bắt buộc: Hộ chiếu Canada
Hộ chiếu Canada là giấy thông hành mà công dân Canada có thể xin cấp. Trẻ vị thành niên để đi du lịch ngoài Canada cần có hộ chiếu riêng của chính đứa trẻ đó. Hộ chiếu của trẻ em có thời hạn tối đa là 5 năm và không được gia hạn. Nếu hộ chiếu của trẻ em đã hết hạn và có nhu cầu sử dụng thì cần xin hộ chiếu mới cho trẻ. Hộ chiếu của trẻ em có giá trị cho đến khi hết hạn sử dụng, ngay cả sau khi đứa trẻ tròn 16 tuổi.
Lưu ý: Trẻ em có hai quốc tịch cần có hộ chiếu Canada để lên chuyến bay đến hoặc quá cảnh qua Canada bằng đường hàng không.
Những người sau đây có thể nộp đơn xin cấp hộ chiếu cho trẻ em
- một trong những cha mẹ của trẻ (nếu chưa ly thân hoặc ly hôn)
- cha mẹ có quyền nuôi con (nếu đã ly thân hoặc ly hôn)
- người giám hộ hợp pháp của trẻ
Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp lo lắng ai đó có thể cố gắng lấy hộ chiếu cho trẻ em mà không có sự đồng ý thì có thể đăng ký để thêm tên đứa trẻ vào danh sách hệ thống hộ chiếu theo dõi. Việc này giúp đảm bảo an toàn và ngăn ngừa nguy cơ bắt cóc trẻ em thông qua việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung trước khi xử lý việc xin cấp hộ chiếu cho trẻ và kiểm tra xem việc đó đã được cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp cho phép hay chưa.
Giấy tờ cần nộp khi xin cấp hộ chiếu cho trẻ em
- Đơn xin cấp hộ chiếu;
- Bằng chứng về huyết thống xác định mối quan hệ cha mẹ - con cái: giấy khai sinh có tên của (các) cha mẹ, lệnh nhận con nuôi do tòa án ban hành có tên của (các) cha mẹ nuôi, giấy khai sinh nước ngoài có tên của (các) cha mẹ và các giấy tờ khác nếu được yêu cầu;
- Bằng chứng về quyền nuôi con, ly thân, ly hôn: tất cả các tài liệu quyền giám hộ hợp pháp, liên quan đến quyền nuôi con, quyền di chuyển và quyền thăm nom trẻ em, bản sao của bán án hoặc lệnh ly hôn (nếu cha mẹ đã ly hôn);
- Bằng chứng về quốc tịch Canada: tất cả giấy tờ nộp là bản gốc, bao gồm: giấy khai sinh của tỉnh hoặc vùng lãnh thổ đứa trẻ được sinh ra (nếu trẻ được sinh ra tại Canada) hoặc giấy chứng nhận quốc tịch Canada (nếu trẻ được sinh ra tại Canada hoặc ngoài Canada).
Thời hạn được cấp hộ chiếu cho trẻ em nhanh nhất là 02 (hai) ngày làm việc trở xuống tùy vào nhu cầu của từng đối tượng.
2.2. Giấy tờ bổ sung:
- Thư chấp thuận của cha/mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ xác nhận rằng đứa trẻ được phép đi du lịch ngoài Canada một mình hoặc cùng một người khác.
Mục đích của thư chấp thuận thể hiện rằng việc trẻ em đi du lịch một mình, chỉ có một bên cha/mẹ hoặc người giám hộ, bạn bè, người thân hoặc một nhóm đi cùng được sự cho phép từ phụ huynh (hoặc người giám hộ hợp pháp) không đi cùng với chúng trong chuyến đi.
Thư chấp thuận không phải là yêu cầu pháp lý bắt buộc tuy nhiên có thể được yêu cầu bất kỳ lúc nào bởi Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khi nhập cảnh hoặc xuất cảnh nước ngoài, các đại lý hàng không hoặc Hải quan Canada khi nhập cảnh vào Canada.
Nội dung của thư chấp thuận cần thể hiện đầy đủ thông tin và chi tiết như tên đầy đủ, số hộ chiếu, ngày dự kiến xuất cảnh của người đi cùng trẻ. Thư chấp thuận cần có đầy đủ chữ ký của: một hoặc cả hai cha, mẹ đã kết hôn hoặc đang có quan hệ huyết thống và sống chung với con; một hoặc cả hai cha mẹ ly thân, ly hôn hoặc không sống chung; người giám hộ hợp pháp. Không có quy định về mẫu thư đồng ý, Quý vị có thể tự mình soạn nội dung hoặc tham khảo mẫu thư chấp thuận tại đây và cần chứng thực chữ ký trong thư bởi Công chứng viên.
- Giấy tờ tùy thân bổ sung chẳng hạn như giấy khai sinh hoặc giấy chứng nhận quốc tịch, hộ chiếu, thẻ thường trú nhân.
- Các tài liệu pháp lý khác, nếu có, chẳng hạn như quyết định ly hôn, lệnh giám hộ của tòa hoặc giấy chứng tử của cha hoặc mẹ
3. Lưu ý khi trẻ em đi du lịch bằng đường hàng không
Việc đưa trẻ em đi du lịch bằng đường hàng không cần có kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng. Đồng thời cần tuân thủ quy định cụ thể về việc bay cùng trẻ em (mỗi người lớn chỉ chịu trách nhiệm cho một (01) và chỉ một trẻ sơ sinh (trẻ em dưới 2 tuổi)) và sử dụng hệ thống an toàn cho trẻ em (ghế ngồi trên ô tô) trên máy bay, chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết cho trẻ trước khi lên máy bay: đồ ăn của trẻ, tã,... Chú ý không mang theo đồ vật bị cấm mang lên máy bay như chất lỏng (túi gel hoặc túi đá) đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, đồ chơi trông giống như vũ khí thật,...
Trường hợp trẻ em đi du lịch một mình
- Xác nhận trước liệu hãng hàng không có hộ tống và giám sát trẻ em từ khi làm thủ tục đến khi đến hay không.
- Tìm hiểu xem có những hạn chế nào, chẳng hạn như giới hạn độ tuổi, đối với trẻ vị thành niên không có người đi kèm.
- Đảm bảo rằng cha mẹ hoặc người giám hộ ở lại sân bay cho đến khi chuyến bay khởi hành (theo quy định của hãng hàng không).
- Đảm bảo rằng người chào đón trẻ khi trẻ đến có giấy tờ tùy thân và được ủy quyền thích hợp.